
|
Chi tiết tin
1. Hành vi đưa thông tin sai sự thật
Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
a. Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật (Điều 99, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử)
- Đưa thông tin trên mạng xã hội (điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP): Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân (từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, hành vi này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
- Đưa thông tin trên trang thông tin điện tử (điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP): Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với cá nhân (từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật; buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm.
b. Xử lý tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 01 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
2. Hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ
a. Xử lý vi phạm hành chính hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ (Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình)
- Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân (từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân (4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức) khi có một trong các hành vi sau đây:
+ Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
+ Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
+ Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân (từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức) khi có một trong những hành vi sau đây:
+ Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;
+ Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ.
b. Xử lý tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ.
Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

